27 Sept 2014

HỢP ĐỒNG DÂN SỰ VÔ HIỆU.

Kỷ năng tư vấn hợp đồng là một trong những kỷ năng quan trọng của Luật sư trong quá trình hành nghề, theo tác giả thì khi tư vấn về đàm phán, ký kết hợp đồng thì điều mà luật sư cần quan tâm nhất đó chính là hiệu lực pháp lý của hợp đồng, để loại trừ những rủi ro pháp lý cho khách hàng và cho chính luật sư thì luật sư cần phải chú ý đến những trường hợp có thể dẫn đến hợp đồng bị tuyên vô hiệu khi có tranh chấp xảy ra.
Hợp đồng dân sư là một loại giao dịch dân sự nên những quy định về giao dịch dân sự vô hiệu được quy định từ Điều 127 đến Điều 138 của BLDS 2005 được áp dụng đối với hợp đồng dân sự vô hiệu.
Những trường hợp giao dịch dân sự - hợp đồng dân sự vô hiệu:
1.     Nội dung hợp đồng dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội. ( Điều 128 BLDS).
Vì vậy khi tư vấn cho khách hàng ký kết hợp đồng luật sư cần xem xét kỷ về nội dung, xem công việc thực hiện, đối tượng hợp đồng… có bị pháp luật cấm hay không, điều cấm của pháp luật được hiểu là điều mà pháp luật không cho phép chủ thể đó thực hiện. Một trong những trường hợp vi phạm phổ biến hiện nay là việc các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng không có chức năng sử dụng ngoại tệ những vẫn thanh toán bằng ngoại tệ hoặc thỏa thuận với nhau về giá trị hợp đồng bằng ngoại tệ. Đối với trường hợp này hiện cũng tồn tại nhiều quan điểm trái chiều nhau về việc tuyên vô hiệu: (i) Khi hợp đồng có điều khoản này thì sẽ bị tuyên vô hiệu toàn bộ vì đã phạm vào điều cấm của pháp luật; (ii) Khi vi phạm điều khoản này thì hợp đồng chỉ bị tuyên vô hiệu một phần, phần giá cả ( giá trị) của hợp đồng mà thôi, những điều khoản khác nếu không vi phạm thì vẫn có hiệu lực. Quan điểm của tác giả trùng với quan điểm thứ (ii) vì cho rằng các bên chỉ vi phạm 1 điều khoản không bắt buộc trong hợp đồng nên không thể dẫn đến vô hiệu toàn bộ hợp đồng mà chỉ bị tuyên vô hiệu phần vi phạm mà thôi.
2.     Hợp đồng vô hiệu do giả tạo: (Điều 129 BLDS)
Đó là việc các bên xác lập một hợp đồng để nhằm che dấu một hợp đồng khác hoặc thực hiện hợp đồng nhằm trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba thì hợp đồng đó vô hiệu. Trường hợp này hiện nay đang rất phổ biến, đặc biệt là đối với những hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, hợp đồng mua bán xe, hợp đồng thuê nhà ở… đây  thường là những hợp đồng mà pháp luật quy định về hình thức phải là hợp đồng bằng văn bản có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền, vì thế với tâm lý để giảm  tiền thuế, phí… thì các bên thường lập hai hợp đồng song song, trong trường hợp này rất nhiều khả năng cả hai hợp đồng đều bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp. (i) hợp đồng có công chứng chứng thực, mặc dù tuân thủ về mặt hình thức nhưng lại thực hiện nhằm che dấu hợp đồng khác, (ii) Hợp đồng bị che dấu, về lí luận thì hợp đồng này có thể có hiệu lực, tuy nhiên nếu trong trường hợp pháp luật quy định hình thức hợp đồng có công chứng, chứng thực thì hợp  đồng này có thể bị tuyên vô hiệu.
3.     Không đủ năng lực chủ thể: ( Điều 130)
Một hợp đồng dân sự chỉ có hiệu lực khi các bên tham gia giao kết có đầy đủ năng lực chủ thể để tham gia thực hiện ký kết hợp đồng đó. Đối với cá nhân thông thường là những người đủ 18 tuổi (không bị mất năng lực hành vi dân sự) thì được tự mình tham gia vào các hợp đồng dân sự, còn những trường hợp cá nhân không có năng lực hành vi, mất năng lực hành vi, bị hạn chế năng lực hành vi và có năng lực hành vi dân sự một phần thì chỉ được thực hiện trong một số trường hợp pháp luật cho phép hoặc thông qua người giám hộ. Đối với tổ chức thì điều quan trọng là người thực hiện ký kết phải có thẩm quyền tham gia ký kết… đối với doanh nghiệp thì người đại diện theo pháp luật là người có thẩm quyền tham gia ký kết, trong trường hợp người không phải là người đại diện thì phải có giấy ủy quyền của người có thẩm quyền. Tư cách chủ thể phải là doanh nghiệp, còn nếu là chi nhánh, xí nghiệp, đơn vị… đứng ra ký kết thì không thỏa mãn yêu cầu về mặt chủ thể, ( chỉ trừ trường hợp trong doanh nghiệp đó có quy định về việc ủy quyền thường xuyên).
4.     Vi phạm hình thức (Điều 134 BLDS).
Hợp đồng dân sự có thể được xác lập dưới các hình thức: Bằng lời nói, bằng văn bản,văn bản có công chứng, chứng thực, bằng hành vi cụ thể.
Trong trường hợp pháp luật quy định hợp đồng phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định thì các bên phải tuân theo hình thức đó, nếu không tuân theo thì hợp đồng có thể bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp, đối với trường hợp này thì Tòa án sẽ cho các bên 30 ngày để hoàn thiện về mặt hình thức, nếu sau thời hạn ấn định mà các bên vẫn không hoàn thiện thì Tòa án sẽ tuyên vô hiệu. Vì vậy khi tư vấn cho khách hàng ký kết hợp đồng, luật sư cần phải xem xét những trường hợp pháp luật quy định cụ thể về hình thức hợp đồng và yêu cầu khách hàng thực hiện đúng theo hình thức đó, để tránh bị tuyên vô hiệu.
Một vấn đề pháp lý đặt ra hiện nay đó là:
Theo quy định tại Điều 136 BLDS thì thời hiệu tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong trường hợp vi phạm về hình thức là 02 năm kể từ ngày xác lập hợp đồng, điều đó có nghĩa là sau 02 năm kể từ ngày xác lập hợp đồng mà mới xảy ra tranh chấp thì các bên không có quyền yêu cầu tuyên bố vô hiệu hợp đồng. Nhưng vấn đề đặt ra thì nếu như sau 02 năm các bên lại phát sinh tranh chấp và đưa vụ án đến Tòa án thì trường hợp này Tòa án có dựa vào quy định trên để tuyên vô hiệu hợp đồng hay không? Đây là một vấn đề tác giả vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời, mặc dù trên thực tế thì tác giả đã biết được nhiều trường hợp tương tự như trên hợp đồng đã bị Tòa án tuyên vô hiệu do vi phạm về hình thức.
5.     Những trường hợp vô hiệu khác được quy định tại các Điều 131, 132, 133 BLDS, do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, do người ngưuời xác lập không làm chủ được hành vi của mình. Trong phạm vi bài viết này tác giả không đi sâu phân tích những trường hợp này.
Ngoài các trường hợp nêu trên thì hợp đồng dân sự cũng có thể bị tuyên vô hiệu khi đối tượng của hợp đồng không thể thực hiện được ngay sau khi ký hợp đồng vì lý do khách quan ( Điều 411 BLDS).


0 comments:

Post a Comment